Vẫn còn bất cập trong phương thức quản lý xuất khẩu cá tra

(HQ Online)- Tại Hội thảo: “Trao đổi kết quả nghiên cứu của chuyên gia EU về chính sách trong sản xuất – xuất khẩu cá Tra” do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức ngày 24-6, các doanh nghiệp (DN) cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực mà Nghị định số 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra đem lại, vẫn còn một số bất cập liên quan đến phương thức quản lý và giá thành xuất khẩu.

 Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngành cá tra đang phát triển nóng, thiếu quy hoạch và phải cạnh tranh trực tiếp với các loại cá thịt trắng khai thác từ biển đang có sản lượng gia tăng đột ngột mấy năm gần đây.

Do đó, Nghị định số 36 đã tạo ra một bước tiến quan trọng trong cách thức quản lý theo chuỗi giá trị cho ngành cá tra; chấm dứt tình trạng thả nổi chất lượng, cạnh tranh không lành mạnh, gian lận thương mại; chấn chỉnh quy hoạch, cấp mã số vùng nuôi, cân đối cung - cầu sản lượng, áp dụng tiêu chuẩn nuôi theo VietGAP. Tuy nhiên, Nghị định này vẫn còn nhiều bất cập liên quan đến các vấn đề chất lượng sản phẩm và thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu.

Ông Nam cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên quy định hàm ẩm cá tra fillet không vượt quá 86% thay vì 83% như hiện nay. Ngoài ra, thay thế tỷ lệ mạ băng sản phẩm cá tra bằng quy định ghi nhãn bắt buộc trọng lượng tịnh trên bao vì. Vì quy định này sẽ tạo hành lang pháp lý bắt buộc DN nâng cao khả năng tự kiểm soát và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm hơn là đối phó trước thông quan.

Đối với thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu, các DN chế biến thủy sản (nhất là DN vừa và nhỏ) cho rằng, thủ tục đăng kí hợp đồng xuất khẩu cá tra thực chất cũng là một dạng giấy phép xuất khẩu mới mà doanh nghiệp bắt buộc phải có khi xuất khẩu. Cơ quan Hải quan chỉ chấp nhận thông quan đối với những lô hàng của hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra đã được Hiệp hội cá tra Việt Nam xác nhận.

Quy định này đang gây khó khăn trong việc quản lý hồ sơ và cung cấp đầy đủ chính xác các giấy tờ liên quan khi lô hàng xuất khẩu được chế biến từ nguyên liệu của nhiều ao nuôi, trại nuôi khác nhau. Thêm vào đó, các mặt hàng xuất khẩu chế biến từ phụ phẩm cá tra (bột cá, dầu cá, bao tử cá…) không thể cung cấp chính xác hồ sơ nguyên liệu khi thành phẩm và phụ phẩm sang các thị trường khác nhau.

Đứng ở góc độ DN sản xuất, bà Nguyễn Thị Ánh – Giám đốc Công ty CP thủy sản Sông Tiền cho biết, thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra không phải là công cụ có thể giúp kiểm soát được nguồn cung cá tra mà chỉ khiến DN tốn kém thêm nhiều chi phí và thời gian. Các DN đã nghiên cứu và hoàn toàn không thuyết phục khi việc đăng ký và khai báo này chỉ là hình thức của một thủ tục hành chính chứ không phải là một công cụ hữu hiệu đo lường về sản lượng, giá bán như tinh thần của Nghị định 36.

Được biết, ngày 29-5-2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã gửi Công văn số 4201/BNN-TCTS tới Tổng cục Hải quan, Hiệp hội cá Tra Việt Nam đồng ý miễn thủ tục xác nhận đăng ký xuất khẩu sản phẩm cá tra đối với những lô hàng xuất khẩu dưới 25 kg với mục đích hàng mẫu tham gia hội chợ, trưng bày triển lãm, chào hàng đàm phán, thương thảo hợp đồng xuất khẩu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Tổng cục Hải quan chỉ đạo cơ quan Hải quan tại các cửa khẩu hướng dẫn thủ tục và tạo điều kiện để các lô sản phẩm cá tra thuộc diện được miễn thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu thông quan.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Hiệp hội cá Tra Việt Nam phối hợp với cơ quan Hải quan hướng dẫn các doanh nghiệp và thương nhân làm thủ tục thông quan đối với lô hàng được miễn thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu.

Liên quan đến quy định giá sàn cá tra, VASEP cho hay, qua thống kê sản xuất nguyên liệu cá tra thì hiện nay có tới 70% sản lượng nguyên liệu cá tra do chính các DN tự nuôi nên việc thu mua cá nguyên liệu từ nông dân chỉ chiếm số lượng nhỏ. Do đó, quy định về giá sàn thu mua nguyên liệu cá tra là không hợp lý, thậm chí còn vi phạm pháp luật cạnh tranh. 

Trước những bất cập nêu trên, VASEP và các DN chế biến xuất khẩu thủy sản  kiến nghị cần thiết phải bãi bỏ thủ tục quy định về giá sàn xuất khẩu nguyên liệu cá tra. Bãi bỏ thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra qua Hiệp hội cá tra Việt Nam mà xem xét thay vào đó là cơ chế chứng nhận từ các cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương theo đúng các tiếp cận về đăng ký vùng nuôi của Nghị định 36. Bởi lẽ, nếu vì mục tiêu thống kê, quản lý sản lượng thì hoàn toàn không cần tới cơ chế đăng ký hợp đồng xuất khẩu bởi với các cơ chế kiểm soát như hiện nay của các cơ quan chức năng (Hải quan, Nafiquad và Cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương) đã có thể thống kê tốt các mục tiêu này.

Lê Thu

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục