Theo Chi cục Thú y TP.HCM, ngoài lưu ý đầu tiên rằng sản phẩm phải có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y thì khi mua các loại thịt bò, gà, dê… đông lạnh ngoại nhập, người tiêu dùng không nên mua hàng đã được người bán lấy ra khỏi tủ bảo quản lạnh và bày bán bên ngoài, vì khi không còn bảo quản ở nhiệt độ như đã quy định thì nguy cơ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao. Theo quy định, các loại thịt này phải được bảo quản lạnh ở nhiệt độ từ -18oC; phải được đóng gói trong bao bì kín, có nhãn in rõ xuất xứ, nhà nhập khẩu. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý đến trạng thái của thực phẩm. Thực phẩm đông lạnh đã xuất hiện đá cục hoặc lẫn các tinh thể băng thì không nên mua. Nên chọn những sản phẩm được xếp ở phía dưới của tủ bảo quản lạnh vì nhiệt độ ở dưới ổn định hơn. Tuyệt đối không mua thực phẩm đã có mùi vì ăn vào có thể gây ngộ độc cấp tính.
Ngoài ra, theo ghi nhận của chúng tôi, thời gian gần đây có khá nhiều người tiêu dùng phản ảnh về tình trạng một số loại sản phẩm đông lạnh tiện dụng như lẩu, cá… thiếu trọng lượng từ 10 – 20% sau khi rã đông, khiến người tiêu dùng bị thiệt. Thậm chí, nhiều sản phẩm còn bị teo, mềm nhũn sau khi chế biến, nhất là đối với các loại hải sản như tôm, mực, cá; nhiều loại cá viên đông lạnh lại chứa quá nhiều bột.
Cần biết, theo quy định thì kỹ thuật chế biến thực phẩm cho phép nhà sản xuất dùng lớp nước đá “áo” bên ngoài để bảo quản thực phẩm, nhưng lớp này thường chỉ chiếm khoảng 5%/tổng trọng lượng và phải trừ trọng lượng này ra khi công bố trên bao bì, phải ghi trọng lượng thực. Do vậy để tránh mua phải thực phẩm thiếu trọng lượng, theo các chuyên gia, người tiêu dùng nên chọn sản phẩm được nhà sản xuất cam kết trọng lượng đủ sau rã đông. Bên cạnh đó, quan sát sản phẩm nếu thấy rõ lớp đá bám xung quanh thì nên cẩn thận với sản phẩm này vì có thể khi lớp đá tan chảy, sản phẩm sẽ bị thiếu trọng lượng.
Các chia sẻ và giải đáp vướng mắc sẽ được trao đổi tại Chương trình: "Ghi nhãn và thiết kế bao gói theo hướng tiết kiệm, bền vững" tại TP. Hồ Chí Minh các ngày 07-08/07/2015