Làm sao để khống chế bệnh hoại tử gan tụy (EMS) và bệnh vi bào tử trùng trên tôm nuôi ?

Đó là mục tiêu chính của hội thảo “Phương pháp phát hiện và chiến lược phòng bệnh hoại tử gan tụy và bệnh vi bào tử trùng trên tôm nuôi” do Trung tâm VASEP.PRO thuộc Hiệp hội VASEP tổ chức tại TP. Cần Thơ (10/02/2014) dưới sự hướng dẫn và chia sẻ thông tin của TS. Trần Hữu Lộc cùng gần 100 đại biểu đại diện cho các hợp tác xã, doanh nghiệp và các hộ nuôi tôm.

Tại hội thảo chuyên gia cũng đã nhận định rằng khó có thể tìm ra một phương thuốc thần kỳ giải quyết được dịch bệnh, mà cần phải đưa ra một gói các giải pháp phòng ngừa chủ động dựa trên cơ sở hiểu biết đặc điểm của mầm bệnh và đường lây, động thái học của mầm bệnh và tương tác của mầm bệnh với vật chủ và môi trường.

Để tiến đến các giải pháp phòng ngừa bệnh dịch bệnh khả thi, trước tiên phải hiểu rõ các đường lây bệnh, từ đó mới đánh giá các giải pháp có tác dụng như thế nào, đối với đường lây nào?

Theo các nghiên cứu được chuyên gia công bố tại hội thảo cho thấy bệnh hoại tử gan tụy (EMS) và bệnh vi bào tử trùng lây qua đường miệng, khi trong nguồn nước có nhiễm mầm bệnh, hoặc trong ao có vài con tôm bị bệnh thì cả ao sẽ lây bệnh do chúng ăn phân của nhau. Nếu tách biệt không để tôm tiếp xúc với phân thì giảm được 80% nguy cơ bị bệnh. Đây là đường lây ngang. Ngoài ra, các quan sát khác cũng cho thấy có sự liên hệ mật thiết giữa việc di chuyển tôm giống, tôm bố mẹ với sự phát tán của bệnh. Điều này cũng chứng tỏ rằng có thể bệnh cũng lây truyền theo đường dọc từ tôm bố mẹ mang mầm bệnh sang tôm con, và khi tôm con mang mầm bệnh, bệnh sẽ bùng phát trong điều kiện ao nuôi. Vì vậy để có thể khống chế được dịch bệnh thì chúng ta phải khống chế tất cả các đường lây!

- Đường lây ngang: an toàn sinh học trong trại nuôi, cân bằng sinh thái ao nuôi, các biện pháp cắt đứt mầm bệnh, các biện pháp cạnh tranh sinh học (dùng vi khuẩn, tảo đối kháng vi khuẩn gây bệnh)

- Đường lây dọc: an toàn sinh học trong trại giống, kiểm tra tôm bố mẹ, thức ăn tôm bố mẹ, kiểm soát mầm bệnh, đối kháng mầm bệnh, sức khoẻ tôm post, kiểm tra tôm post.

Theo TS. Trần Hữu Lộc việc khống chế bệnh hoại tử gan tụy (EMS/AHPNS) và bệnh vi bào tử trùng không nên coi là việc tìm kiếm những giải pháp riêng rẽ hay một liệu pháp thần kỳ. Việc khống chế bệnh thành công nên dựa trên chương trình kiểm soát các yếu tố rủi ro có thể dẫn đến dịch bệnh. Tuỳ thực tế của từng cá nhân và đơn vị nuôi tôm mà chúng ta có các lựa chọn cách ứng dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro phù hợp.

Các yếu tố rủi ro CAO có thể dẫn đến bệnh bùng phát:

-       Ao đã từng có bệnh trước đây

-       Nước không qua xử lý diệt trùng

-       Thiếu ao lắng, thiếu các biện pháp an toàn sinh học

-       Tôm giống nhiễm bệnh

-       Môi trường nước ao thiếu cân bằng sinh học.

Tại hội thảo chuyên gia cũng đã công bố một số nghiên cứu về tác dụng của cá rô phi. Theo kết quả nghiên cứu đến thời điểm này, cá rô phi giúp thiết lập một hệ sinh thái vi sinh trong nước ao với các quần thể tảo và vi khuẩn cân bằng. Trong một hệ sinh thái vi sinh cân bằng như vậy, vi khuẩn gây bệnh ít có cơ hội phát triển đến đủ mật độ có thể gây bệnh cho tôm. Sự hiện diện của cá rô phi còn giúp cho các biến động lớn về hệ vi sinh này ít xảy ra. Một khi hệ vi sinh trong ao có sự biến động lớn như hiện tượng sụp tảo trong ao thì khả năng vi khuẩn gây bệnh bùng phát để gây bệnh trên tôm là rất lớn.

Nếu cá rô phi thả trong ao nuôi chung với tôm ở một mật độ thấp vừa phải thì nó có tác dụng diệt tảo đáy, làm sạch đáy ao, ăn các con tôm bệnh chết giúp giảm sự lan truyền của bệnh v.v... Một số loài cá khác cũng có thể có một phần tác dụng tương tự như cá rô phi. Tuỳ vào hoàn cảnh sản xuất và hệ thống nuôi của từng trang trại, có thể ứng dụng cá rô phi theo các cách linh hoạt như: nuôi cá rô phi trong ao lắng để hoạt hoá nước trước khi lấy nước cho ao nuôi, nuôi cá rô phi trong lồng hoặc vèo đặt trong ao tôm, nuôi luân canh một vụ tôm một vụ cá để làm sạch môi trường và cắt mầm bệnh, nuôi xen cá rô phi mật độ thưa trong ao để cá dọn đáy ao, tảo đáy và ăn tôm chết, v.v...

Trong quá trình hội thảo các đại biểu tham dự cũng đã thẳng thắn chia sẻ những thông tin, kinh nghiệm và đặc biệt là những khó khăn vướng mắc trong quá trình nuôi như: Có phải độ PH cao là yếu tố gây bệnh EMS không?; Tại sao khi tôm bị bệnh EMS mà càng cho tôm ăn thì tôm lại càng chết nhiều, nhưng khi ngưng cho ăn thì tôm lại chết ít đi?; Cá rô phi có tác động gì đến tôm cũng như làm hạn chế bệnh EMS không?; Làm sao để cách ly được ao tôm bị bệnh vi bào tử trùng với ao chưa bị bệnh trong cùng trang trại?;… từ đó cùng chuyên gia tìm ra các biện pháp khắc phục.

Mọi câu hỏi liên quan tới chương trình Quý doanh nghiệp vui lòng gửi về VASEP theo thông tin: Anh Nguyễn Ngọc Hòa, tel: 04 38 35 4496 ext 211, Email: ngochoa@vasep.com.vn.

Các thông tin khác liên quan đến khóa học vui lòng xem dưới đây:

Hình ảnh khóa học

 Danh sách tham dư

 

Ngọc Hòa

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục