Giải pháp phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản và bảo tồn đất ngập nước!

Ngày 26/5 vừa qua tại Tp. Cần Thơ, Dự án SUPA (chủ trì bởi Trung tâm Sản xuất Sạch hơn Việt Nam (VNCPC VN), cùng sự tham gia của các bên WWF Việt Nam, WWF Áo, VASEP) phối hợp cùng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam – SWIRR, tổ chức thành công hội thảo “Nghiên cứu Ảnh hưởng của nuôi cá tra lên đất ngập nước ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL)” với sự tham gia của 60 đại biểu đến từ các đơn vị tại ĐBSCL như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Thủy sản, Trung tâm Quan trắc TN&MT, UBND các huyện, các doanh nghiệp và hộ nuôi thủy sản, các giảng viên và nghiên cứu sinh của các trường Đại học.

Tại hội thảo các chuyên gia đã báo kết quả nghiên cứu của nhóm và cùng các đại biểu tham dự thảo luận xoay quanh các vấn đề liên quan đến các tác động làm ảnh hưởng đến đất ngập nước tại vùng ĐBSCL. Trong đó có sự phát triển của ngành nuôi cá tra trong thời gian qua cũng đã làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái đất ngập nước tại khu vực này. 

Tầm quan trọng của các vùng đất ngập nước:

Theo TS. Lê Phát Quới, Viện Tài Nguyên và Môi Trường - Đại Học Quốc Gia Tp. HCM, đất ngập nước với các hệ sinh thái đặc thù và tinh đa dạng sinh học đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của vùng ĐBSCL. Sản lượng lúa và thủy sản chiếm tỷ trọng lớn trong ngành xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Việc sử đất ngập nước đã mang lại những thay đổi to lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng đất ngập nước để sản xuất nông nghiệp đã có sự mất cân bằng tự nhiên. Diện tích đất ngập nước phục vụ nuôi trồng thủy sản tăng, trong khi diện tích rừng ngập mặn ven biển giảm đi khá nhiều. Điều này, gây bất lợi về môi trường và sinh thái, nhưng lại góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của vùng ĐBSCL.

Về hiện trạng nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long, theo ông Phạm Thế Vinh - Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, diện tích nuôi cá tra gia tăng từ năm 1997 đến năm 2008 với tốc độ phát triển khoảng 26%/năm. Đến năm 2008 tổng diện tích nuôi cá tra khoảng 5400 ha và duy trì cho tới nay. Năm 2016 tổng diện tích nuôi cá tra vào khoảng 5400 ha chiếm 0.13% diện tích toàn đồng bằng sông Cửu Long. Tại khu vực 3 huyện thuộc Đồng Tháp gần khu vực Tràm Chim, theo điều tra thực địa của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam năm 2016 cho thấy, tổng diện tích của khu vực này khoảng trên dưới 1000 ha. Phân bố chủ yếu trên các sông kênh chính của tỉnh.

Cuộc điều tra này cũng chỉ ra rằng, diện tích nuôi cá tra hiện nay của địa phương chưa được thống kê cụ thể, khả năng diện tích nuôi cá tra hiện nay có thể lớn hơn nhiều so với thống kê. Theo quy hoạch nuôi cá tra toàn đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 cho thấy, tổng diện tích nuôi cá tra đến năm 2015 khoảng 11000 ha và đến năm 2020 khoảng 13000 ha. Tuy nhiên, hiện trạng nuôi cá tra hiện nay chỉ đạt 5400 ha đạt 50% so với quy hoạch.

Còn theo Th.S. Dương Công Chinh - Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam thì hoạt động nuôi cá tra là ngành “đặc thù”:

-Nghề nuôi cá tra đúng là “độc nhất vô nhị” trong ngành nuôi trồng thủy sản thế giới.

- Hệ thống nuôi có thể đạt năng suất trung bình 300–400 tấn cá/ha/vụ, đạt kỷ lục cao nhất trong mọi ngành sản xuất nông nghiệp.

- Là nghành sử dụng nhiều nước đồng thời thải ra môi trường nhiều chất thải

- Hoạt động nuôi quanh năm, không theo mùa.

- Diện tích nuôi chỉ khoảng 5.000 ha nhưng sản lượng trên 1 triệu tấn (khoảng 65% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản ở châu Âu).

- Tạo cơ hội công ăn việc làm, đặc biệt là phụ nữ làm việc trong các nhà máy chế biến.

- Hầu hết sản phẩm dành để xuất khẩu.

Cũng theo Th.S. Dương Công Chinh, xu hướng phát triển nuôi cá tra trong thời gian đầu phát triển hoạt động nuôi cá tra chủ yếu là nuôi lồng bè  trên sông, đến năm 2005 dường như không phát triển mà chuyển sang nuôi trong ao. Thời gian khoảng năm 2000 vùng nuôi tập trung chủ yếu tại 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ, sau phát triển sang các tỉnh Bên Tre và Vĩnh Long… Xu hướng thời gian đầu vùng nuôi chủ yếu nằm trên các khu vực đất ven sông phía thượng sông Tiền và sông Hậu, các cù lao do nhu cầu sử dụng nước nhiều trong nuôi. Vào khoảng năm 2010 xu hướng mở rộng vùng nuôi sang các khu vực gần biển tận dụng dòng triều để giảm chi phí bơm nước. Hiện nay tại Đồng Tháp xu hướng mở rộng vùng nuôi vào nội đồng đang khá rõ.

Để phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản và bảo tồn đất ngập nước, chúng ta cần có các giải pháp sau:

Sử dụng đất: Quản lý chặt các khu vực đất còn nhiều đặc tính tự nhiên, chưa có tác động nhiều của con người để bảo tồn, phát triển trong tương lai. Tại các khu vực vùng đệm cần có quy hoạch chi tiết loại hình sản xuất phù hợp với hiện trạng và xu hướng phát triển trong tương lai. 

Quy hoạch vùng nuôi thủy sản: Chỉ tập trung phát triển các vùng nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên đồng thời đảm bảo hải hòa với các khu vực cần được bảo vệ. Có lộ trình rút khỏi quy hoạch các khu vực không phù hợp. Giám sát thực thi các quy hoạch; đối với các khu vực nằm ngoài quy hoạch có các vấn đề liên quan đến các khu bào tồn thì phải xem xét kỹ trước khi thực hiện điều chỉnh quy hoạch, tránh hình thức “hợp thức hóa” cho các diện tích ngoài quy hoạch.

Các quy hoach nuôi thủy sản cần phải được tính toán dựa trên nhu cầu sử dụng nước trong hoạt động nuôi cũng như nhu cầu xả thải ra môi trường.

Đối với nuôi cá tra cần phải tập trung giảm phát triển nuôi cá tra trong nội đồng.

Các điểm nuôi trong nội đồng hiện trạng cần phải kiểm soát được nguồn thải thông qua giải pháp quản lý và công nghệ nuôi.

Chất thải từ hoạt động nuôi thủy sản: Thực hiện hoạt động nuôi thủy sản có trách nhiệm cả về mặt xã hội và môi trường. Tập trung để dần chuyển biến các trại nuôi phải xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường chứ không phải “giảm thiểu” tác động.

Phát triển các công nghệ nuôi gắn liền với xử lý chất thải (công nghệ nuôi vi sinh…).

Giảm chất thải từ quản lý hoạt động nuôi (giảm hệ số sử dụng thức ăn, Sử dụng thức ăn có hàm lượng N và P phù hợp…).

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục