Dự án đầu tiên cho ngành cá tra có phương thức tiếp cận thị trường đã ra mắt

Sáng ngày 2/8/2013, tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Sản xuất Sạch Việt Nam (VNCPC), Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Quỹ Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam và Áo (WWF Vietnam và WWF Austria) đã phối hợp tổ chức Lễ khởi động Dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá Tra bền vững tại Việt Nam (Establishing a Sustainable Pangasius Supply Chain in Vietnam - SUPA)”.

            Lễ khởi động đã nhận được sự quan tâm của nhiều bên với sự hiện diện của 189 đại biểu gồm lãnh đạo nhiều cơ quan ban ngành Trung ương  như đại diện lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương, đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam, lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản tại các tỉnh, thành ở Đồng bằng Sông Cửu Long, đại diện các công ty chế biến và xuất khẩu thủy sản, sản xuất thuốc thú y, thức ăn, trại nuôi, trại giống cá tra, hiệp hội thủy sản, các trường đại học, các công ty tư vấn, chứng nhận,... Với tổng giá trị gần 2,4 triệu EUR, trong đó Liên Minh Châu Âu (EU) tài trợ gần 1,9 triệu Euro thông qua Chương trình EU SWITCH-Asia, Dự án dự kiến kéo dài từ tháng 4/2013 đến tháng 3/2017 nhằm hướng đến mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu cá Tra bền vững, thân thiện với môi trường, mang lại lợi ích kinh tế và xã hội.

            Phát biểu về dự án, Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội VASEP cho biết: “SUPA đã vượt qua hàng chục dự án khác để được duyệt về tính hiệu quả sẽ mang lại, với tổng giá trị gần 2,4 triệu euro. Đây là dự án đầu tiên ở Việt Nam cho ngành cá tra có phương thức tiếp cận thị trường và người tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cá tra đạt các chứng nhận bền vững và góp phần tạo dựng uy tín thương hiệu cá tra Việt Nam, nhất là tại EU. Đặc biệt, SUPA có sự tham gia của hầu hết các bên liên quan đến ngành cá tra từ các cơ quan nhà nước, người nuôi, DN, nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ, nhà máy chế biến đến truyền thông, tổ chức phi chính phủ…”.

            Trong những năm qua, ngành sản xuất và xuất khẩu cá Tra của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với kim ngạch xuất khẩu năm 2012 đạt 1,744 tỷ USD tăng gấp 43,6 lần so với năm 2000, hiện chiếm 28,4% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam và có mặt tại 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, sau một thời gian tăng trưởng quá nóng, ngành cá tra đang phải đối diện với nhiều tồn tại bất cập, thiếu bền vững như sản xuất nguyên liệu còn tự phát, thiếu quy hoạch, thiếu tổ chức, chu kỳ cung- cầu khủng hoảng thừa - thiếu, sản phẩm chưa đa dạng, mức độ giá trị gia tăng thấp, giá cả biến động thất thường và có xu hướng giảm, liên kết giữa các khâu chưa bền vững, …

            Phát biểu tại Lễ khởi động, ông Nguyễn Huy Điền – Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Thủy sản đã khẳng định:Ý tưởng, mục tiêu của Dự án là vô cùng cần thiết trong giai đoạn khó khăn trước mắt. Đây là dự án đầy đủ, khép kín từ khâu giống đến thị trường và người tiêu dùng. Trong khuôn khổ dự án với nguồn kinh phí chỉ khoảng 2 triệu EUR mà đạt được kết quả như đã nêu là quá tốt. Để đạt được kết quả này, đề nghị Ban Quản lý Dự án phải kết hợp được với địa phương để có khung chính sách phù hợp và sau khi dự án kết thúc phải đảm bảo kết quả được duy trì”.

            Bà Dương Phương Thảo – Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng chia sẻ “Cá tra đã phát triển mạnh trong thời  gian qua, nhưng đang gặp nhiều khó khăn từ nguyên liệu, chế biến thị trường. Các khó khăn này nảy sinh không phải do lượng cung cá tra dư thừa mà vấn đề là làm sao để người tiêu dùng tăng sức mua đối với sản phẩm cá tra. Chính phủ cũng đang rất quan tâm đến ngành cá tra và đang cố gắng tìm giải pháp. Tôi đánh giá dự án đã đưa ra được các giải pháp tổng thể cho ngành cá tra tại những vấn đề mà ngành cá tra đang đối mặt và phù hợp với bối cảnh hiện nay. Chúng tôi sẽ cử đại diện phối hợp tích cực với Dự án. Bộ Công thương cũng đang đàm phán ký kết FTA với EU để tạo điều kiện thông thương thị trường, mở cửa thị trường. Tôi hy vọng dự án trong tương lai sẽ đem lại kết quả tích cực cho ngành cá tra Việt Nam

            Bà Nguyễn Thị Hồng Minh – Nguyên Thứ trường Bộ Thủy sản, Chủ tịch Danh dự của VASEP bày tỏ: “Hiện nay ngành cá tra đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Dự án ra đời đúng thời điểm với hoạt động hỗ trợ thị trường rất đúng đắn. Đây là hoạt động mà nhiều dự án trước đây không có. Tôi đánh giá rất cao hiệu quả từ những hoạt động của SUPA. Đây có thể là giải pháp đáng hy vọng nhất để cứu ngành cá tra đang rất khủng hoảng. Ban Điều phối dự án cần xây dựng nhóm doanh nghiệp, quy định điều kiện tham gia phát triển nhóm sản phẩm cá tra theo chuỗi giá trị bền vững của SUPA. Cần tận dụng sự hỗ trợ của EU để tạo nên thương hiệu cho nhóm sản phẩm cá tra Việt Nam tham gia dự án.  Sau khi Dự án kết thúc , đây chính là nền tảng nòng cốt để tiếp tục duy trì kết quả của dự án”.

            Tại lễ khởi động, Dự án SUPA đều được các bên tham dự đánh giá là Dự án hỗ trợ khá toàn diện, mục tiêu rõ ràng, được kỳ vọng là một trong các kênh đắc lực giúp đưa ngành cá tra Việt Nam đi đúng con đường phát triển bền vững. Đây là dự án đầu tiên ở Việt Nam cho ngành cá tra có phương pháp tiếp cận tới tận “thị trường và người tiêu dùng”, áp dụng cách thức vừa "đẩy" và "kéo" cho các hoạt động sản xuất bền vững, thúc đẩy thị trường trong đó bao gồm cả việc chuyển các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng thực tiễn, đánh giá và khuyến nghị các khung chính sách cho phù hợp và một diễn đàn điện tử cung cấp thông tin chính xác về ngành cá tra trong nước, tình hình thị trường cho doanh nghiệp và các cá nhân có quan tâm, qua đó giúp nâng cao tính cạnh tranh của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Các thông tin khác liên quan đến Lễ Khởi động:

1. Tóm tắt dự án

2. nh lễ khởi động

3. Video lễ khởi động

4. Danh sách tham dự

5. Tài liệu tiếng Việt

6. Tài liệu tiếng Anh (English Documents)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục