Đào tạo và học tập để làm việc tốt hơn!

Trong xu thế hội nhập, ở DN ngày nay cũng vậy, mọi người đều cần học tập để có hiểu biết, để thay đổi hành vi, để tuân thủ pháp luật và các qui định, để làm việc tốt hơn. Đào tạo nghiệp vụ, nâng cao tay nghề, phổ biến kiến thức pháp luật cho người lao động là một phần trách nhiệm xã hội của DN. Nhiều chủ DN bỏ tiền bạc và thời gian để đi làm “từ thiện” chỗ này chỗ kia, nhưng lại “quên” không quan tâm tới những người lao động và các nhân viên của họ về đời sống tinh thần và vật chất; không dành thời gian hoặc tiền bạc để đào tạo hoặc cập nhật kiến thức và kỹ năng cho người lao động.

Người lao động thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng nên năng suất lao động không cao, không yên tâm sản xuất. Chưa nói tới chuyện người lao động vì “có lòng nhiệt tình cao nhưng do thiếu hiểu biết” nên họ còn có thể gây ra một số phiền toái và thiệt hại cho bản thân họ cũng như cho DN. Thiết nghĩ, những người lao động cũng chính là những người cần được nhận tấm lòng “từ thiện” của những người lãnh đạo, quản lý, chủ DN để trợ giúp họ về cả tinh thần lẫn vật chất.

Luật lệ qui định về một vấn đề cũng thường được các chính phủ và các tổ chức cải tiến, sửa đổi, bổ sung. Vì vậy người lao động cũng cần được tái đào tạo để cập nhật kiến thức, sửa đổi hành vi cho phù hợp với từng thời kỳ.

Vậy nên đào tạo và tái đào tạo ở đâu? Có những chủ đề chúng ta nên học ở bên ngoài, tham dự các khóa đào tạo của những cơ sở chuyên trách về đào tạo. Họ có chuyên gia cập nhật thông tin về vấn đề liên quan. Kiến thức ngày nay rất đa dạng và phong phú, không ai có thể biết hết mọi thứ và cũng không ai có đủ thời gian để tìm hiểu hết mọi thứ. Bên cạnh đó, mỗi lần đi học bên ngoài là một lần bạn được chia sẻ kinh nghiệm với chuyên gia và các đồng  nghiệp của DN khác. Bằng cách này, kiến thức của bạn sẽ tăng lên gấp bội.

Đối với mỗi chủ đề, DN nên cử 2 hoặc 3 người đi học. Không nên tạo “sao” trong DN. Khi đi học về DN nên dành thời gian để những người đã tham gia khóa học bên ngoài về trình bày lại những điều đã học trong bộ phận của mình hoặc cho những người khác cần biết về chủ đề đó. Như vậy sẽ đòi hỏi người được cử đi học phải cố gắng tìm hiểu và học hỏi trong quá trình tham gia các khóa học từ bên ngoài. Những người được cử ra bên ngoài học, khi  trở về nếu phải truyền đạt lại cho người khác, thì việc học của người đó cũng được chú trọng hơn;  giảng giải lại cho người khác cũng là cách giúp cho người truyền đạt ôn lại kiến thức vừa học một cách thấu đáo hơn.

Một số chủ đề DN cần đào tạo nội bộ: GMP, SSOP các qui định, đơn hàng  mới của DN hoặc phổ biến những kiến thức mà một số người đã được cử đi học ở bên ngoài. Việc đào tạo về các hệ thống quản lý chất lượng nên tổ chức 1 năm 1 lần, vì chương trình quản lý chất lượng thường được cập nhật hàng năm. Các khóa học nội bộ có thể kết hợp với việc thi tay nghề và nâng bậc. Các khóa học nội bộ còn giúp nâng cao nhận thức của người lao động một cách đồng đều; để khi có đoàn kiểm tra, đánh giá, các DN có thể yên tâm vì không còn phải lo đối phó.

DN cũng có thể xây dựng một bộ phần đào tạo nhỏ, bán thời gian để thực hiện những khóa đào tạo nội bộ, tổ chức các cuộc thi tay nghề, phổ biến cập nhật các chương trình quản lý chất lượng, các qui định liên quan. Những người làm công tác đào tạo của DN cần được đào tạo về kỹ năng tập huấn, kỹ năng trình bày và những kỹ năng liên quan tới công việc giảng giải truyền đạt thông tin.

DN cũng có thể mời các chuyên gia về giảng dạy hoặc trao đổi kinh nghiệm về những chủ để mà DN cần. Các chuyên gia cũng có thể thiết kế lại các bài giảng dựa trên những chủ đề đã có sẵn cho phù hợp với thực tế của DN. Tuy nhiên, để làm được việc này, đòi hỏi chuyên gia phải có thời gian tiếp xúc, làm quen với công việc của DN.

Tự học cũng là một việc cần, nhất là cho các cấp quản lý trong DN. Tự học có nhiều cách, thông qua báo chí, thông qua việc trao đổi với đồng nghiệp, cấp dưới, bạn bè…

Mỗi cá nhân hoặc bộ phận nên lập cho mình một ma trận đào tạo. Nội dung ma trận bao gồm các chủ đề cần học, thời gian cần học về chủ đề đó, bao nhiêu lâu thì cần tái đào tạo về chủ đề đó, chủ đề nào có thể tự học, chủ đề nào cần học bên ngoài. Mỗi khi nhận một nhiệm vụ mới, bạn nên dành thời gian  hoặc đề nghị lãnh đạo dành thời gian cho bạn nhiên cứu hoặc đi học, cập nhật về những nội dung liên qua tới trách nhiệm mới được giao.

Chuyên gia Huỳnh Lê Tâm 

Nguyên cán bộ làm việc trong phòng thí nghiệm, chuyên gia đánh giá và tư vấn các hệ thống quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Trên 30 năm kinh nghiệm tư vấn và giảng dạy về quản lý chất lượng và quản lý sản xuất cho các dự án và chương trình hỗ trợ ngành thủy sản do UNIDO và Danida (Đan Mạch) hỗ trợ Bộ Thuỷ sản Việt Nam (1994-2005).

Chuyên gia đánh giá doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu có uy tín (bao gồm đánh giá trại giống, trại nuôi và xí nghiệp chế biến) được ủy nhiệm của tổ chức Aquaculture Certification Council (Mỹ). 

 Tham gia tư vấn cho các dự án Quản lý ngành Thủy sản Campuchia và Myanmar do EU, FAO và DFID-DANIDA tài trợ (2006-2009); các dự án liên quan tới kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm trong chương trình của POSMA- FSPSII (2007- 2009)…

 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục