Chính sách cho Nuôi trồng Thủy sản bền vững ở Đồng bằng Sông Cửu Long.

Ngày 15/3/2016, trong khuôn khổ Dự án Xây dựng Chuỗi cung ứng cá Tra bền vững tại Việt Nam (SUPA) và Chương trình Nuôi trồng Thuỷ sản bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long, WWF Việt Nam, Hiệp hội VASEP phối hợp với Tổng cục Thuỷ sản và Trung tâm Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp Nông thôn miền Nam (SCAP) tổ chức hội thảo “Rà soát chính sách phục vụ Nuôi trồng Thủy sản bền vững ở Đồng bằng Sông Cửu Long”. Hội thảo có sự tham dự của đại diện Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Thủy sản), Cục Thú y (Bộ NN & PTNT), Chi cục Thủy sản và Chi cục Thú y các tỉnh: Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Hậu Giang, Cà Mau,... cùng với gần 70 đại biểu đến từ các doanh nghiệp CB & XK Thủy sản, các trại nuôi Thủy sản, Hợp tác xã, hộ nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.

 Hội thảo nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn hiện tại của ngành thủy sản vùng ĐBSCL, phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững và thúc đẩy kim ngạch XK thủy sản của khu vực này.

Tại hội thảo nhón chuyên gia của Dự án đã nêu rõ mục tiêu nghiên cứu này là đánh giá thực trạng chính sách nuôi trồng thủy sản, nhận dạng những bất cập và lỗ hổng chính sách, nhằm đề xuất hướng hoàn thiện chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long, với 03 mục tiêu cụ thể như sau:

  1. Xác định các chính sách hiện hành có hiệu lực đối với NTTS.
  2. Xác định các lỗ hổng và rào cản của các chính sách hiện hành để phát triển NTTS bền vững, đặc biệt với tôm và cá tra.
  3. Đề xuất giải pháp và khuyến nghị thúc đẩy NTTS bền vững ở ĐBSCL.

Tập trung vào 06 nhóm vấn đề:

  1. Quy hoạch vùng nuôi trồng Thủy sản.
  2. Quản lý sản xuất, phân phối và chất lượng giống thủy sản.
  3. Quản lý sản xuất, phân phối và chất lượng thức ăn thủy sản
  4. Quản lý sản xuất, phân phối và chất lượng thuốc thú ý và  hóa chất xử lý môi trường thủy sản.
  5. Quy định về môi trường và tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản
  6. Quản lý dịch bệnh và ATVSTP thủy sản.

Tại hội thảo các đại biểu tham dự cũng đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong những quy định và chính sách hiện hành qua đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất để sửa đổi thay thế cho phù hợp hơn:

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy Hải sản Minh Phú (Minh Phu Corp.), đã có bài tham luận về hiện trạng và những trăn trở của ngành nuôi trồng thủy sản VN nói chung và ngành nuôi-chế biến-XK tôm nói riêng, kèm theo những đề xuất và kiến nghị với 8 nội dung: Quy hoạch vùng nuôi; Con giống; Thức ăn; Quy trình và công nghệ nuôi; Dịch vụ và cung ứng dụng cụ, vật tư, thuốc, vi sinh và thức ăn; Kiểm tra, giám sát quá trình nuôi; Thu hoạch muối ướp, bảo quản và vận chuyển; Chế biến và xuất khẩu.

Hộ nuôi cá tra tại HTX An Giang chia sẻ: Người nuôi cá tra An Giang bức xúc từ lâu: Hợp đồng mua bán chưa có mẫu, chưa có văn bản, quy định nào về hợp đồng. Mỗi công ty có hợp đồng khác nhau. Nếu cá có giá thì sử dụng cá công ty nuôi, nếu cá mất giá thì mua của nông dân. Nông dân không muốn bán cho công ty. Vì không hợp đồng được với công ty. Nên có mẫu hợp đồng, nếu ao nào phá thì có chế tài cho hợp đồng.

Ông Đào Thanh Hùng – Công ty CP XNK thủy sản An Giang, kiến nghị: Thông tư 44/2010/TT-BNNPTNT: Chỉ tiêu nước thải và nước trong ao cá tra là mâu thuẫn; Mật độ thả nuôi cá tra 20-40 con/m2 là bất cập so với thực tế, thực tế  mật độ nuôi có thể lên đến 100 con/m2...

Kết thúc hội nghị, thay mặt ban tổ chức Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng Thư ký VASEP đã tóm tắt lại những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu đã nêu ra tại hội thảo qua đó đề nghị ban rà soát làm báo cáo, công văn kiến nghị gửi các đơn vị có liên quan.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục