Hiện nay, nguồn nguyên liệu thủy sản khai thác của ngư dân đáp ứng chưa đến 50% nhu cầu của các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu trong tỉnh Khánh Hòa. Do đó, DN phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài hoặc thu mua ngoài tỉnh.
Nguyên liệu trong tỉnh rất ít
Công ty TNHH Hoàng Hải (TP. Nha Trang) chuyên xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Mỹ và EU, với kim ngạch mỗi năm khoảng 8 triệu USD. Lãnh đạo công ty cho hay, từ đầu năm đến nay, DN xuất khẩu khoảng 700 tấn sản phẩm sang thị trường Mỹ và EU. Tuy nhiên, trong cơ cấu nguyên liệu của mình, công ty phải nhập khẩu 20% từ nước ngoài để chế biến, 80% còn lại là nguyên liệu trong nước, nhưng chủ yếu thu mua từ các tỉnh: Bình Định, Phú Yên; nguyên liệu DN mua được từ ngư dân trong tỉnh rất ít.
Chế biến thủy sản tại Công ty TNHH Hải Vương.
|
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, trên địa bàn tỉnh có 44 DN chế biến thủy sản xuất khẩu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ngành. Các sản phẩm thủy sản xuất khẩu của DN chế biến trong tỉnh, chủ lực là cá ngừ đã có mặt ở 64 thị trường trên thế giới. Do nguồn cung trong tỉnh đáp ứng chưa đến 50% nhu cầu của các nhà máy nên hầu hết DN đều nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài và tổ chức thu mua từ ngoài tỉnh để chế biến, thậm chí có DN phải nhập khẩu đến 70 - 80%. Việc thiếu nguyên liệu đầu vào cũng dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN chế biến, nậu vựa thu mua… Có trường hợp DN và ngư dân thỏa thuận bao tiêu sản phẩm khai thác được, nhưng khi nậu vựa khác thu mua với giá cao hơn, ngư dân liền bán cho nậu vựa chứ không bán cho DN.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho hay: Tính đến hết tháng 10-2020, sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh chỉ tăng 1,06% so với cùng kỳ năm trước, đạt 88.139 tấn; trong khi đó, nhu cầu của thị trường rất lớn, nhất là sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhu cầu nguyên liệu của DN càng lớn. Tuy nhiên, trong số nguyên liệu khai thác, không phải sản phẩm nào cũng có thể đưa vào chế biến được, bởi khâu bảo quản sản phẩm của ngư dân còn hạn chế; khoảng 70% sản phẩm ngư dân khai thác có thể phục vụ chế biến, xuất khẩu. Ngoài ra, thị trường nhập khẩu cũng đặt ra nhiều yêu cầu ngày càng khắt khe hơn. Đơn cử như việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), lô hàng của tàu khai thác nếu không đảm bảo các quy định, giấy tờ về chống khai thác IUU thì DN không thể mua về chế biến xuất đi châu Âu được, vì không truy xuất được nguồn gốc. Vì vậy, nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu càng ít hơn.
Hỗ trợ doanh nghiệp
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, từ đầu năm đến nay ngành thủy sản tỉnh đã cấp giấy chứng nhận sản phẩm thủy sản từ khai thác cho 433 lô hàng xuất khẩu, với sản lượng 3.148 tấn, trong đó có 232 lô hàng với sản lượng 3.021 tấn xuất đi thị trường châu Âu và 201 lô hàng với sản lượng 127 tấn đi thị trường khác.
|
Lâu nay, nguyên liệu thủy sản chủ yếu được các DN nhập từ các nước trong khu vực Đông Nam Á, bởi giá thành nguyên liệu từ các nước này thấp hơn so với mua tại Việt Nam. Hiện nay, Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực, bên cạnh mở rộng thị trường xuất khẩu, các DN chế biến thủy sản trong tỉnh cũng kỳ vọng hiệp định này sẽ mở ra thị trường nguyên liệu cho DN chế biến. Theo đại diện Công ty TNHH Hải Vương (Khu Công nghiệp Suối Dầu), với những khó khăn hiện nay, nhiều DN hướng đến việc nhập khẩu nguyên liệu từ các nước nội khối của Hiệp định EVFTA. Để tạo thuận lợi cho DN, cơ quan chức năng cần tạo điều kiện trong việc kiểm soát nhập khẩu hải sản từ nước ngoài về chế biến xuất khẩu như: Áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro; miễn, giảm kiểm mẫu và hồ sơ... Từ đó, DN mới có thể tận dụng nguồn nguyên liệu cá ngừ nhập khẩu về chế biến, đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa theo EVFTA.
Thời gian qua, Chi cục Thủy sản đã tổ chức 3 chuỗi liên kết trong khai thác, thu mua, tiêu thụ cá ngừ giữa các DN chế biến thủy sản với các tổ hợp tác nghề cá trên địa bàn tỉnh, với hơn 150 tàu cá tham gia. Hoạt động của các chuỗi liên kết cũng giúp DN chế biến ổn định về nguồn nguyên liệu đầu vào; chất lượng sản phẩm được nâng lên, truy xuất nguồn gốc thuận lợi hơn nhờ ngư dân được DN hỗ trợ khâu bảo quản, thu mua cá nguyên liệu với giá cao hơn thị trường, việc tuân thủ chống khai thác IUU cũng được ngư dân chú trọng. Hiện nay, các chuỗi liên kết giữa DN và ngư dân tiếp tục được nhân rộng nhằm tạo ra môi trường sản xuất, kinh doanh ổn định cho ngư dân và DN.
Ông Võ Khắc Én cho biết: “Để đáp ứng nguồn nguyên liệu cho DN chế biến xuất khẩu, tỉnh đã tập trung phát triển đội tàu khai thác xa bờ hiện đại để nâng cao hiệu quả, sản lượng đánh bắt; đồng thời, tuyên truyền ngư dân tuân thủ các quy định về chống khai thác IUU; hỗ trợ ngư dân nâng cấp thiết bị bảo quản sản phẩm sau khai thác nhằm tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu khai thác được đưa vào chế biến, xuất khẩu. Đối với việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài về chế biến, chi cục cũng đồng hành với các DN trong tỉnh để hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa về xác nhận nguồn gốc nguyên liệu cho DN…”.
HẢI LĂNG